Muốn làm sếp, phải học MBA?

Bí kiếp số 1: “Muốn làm sếp, phải học MBA”
Bí kiếp số 2: học MBA rồi, chưa chắc được làm sếp.

Bởi vì bí kiếp số 1 mà rất nhiều bạn trẻ đổ xô đi học MBA, nhưng học xong lại “ứng” vào bí kiếp số 2, không phải vì ngành MBA không tốt, mà do các bạn chưa chọn đúng thời điểm. Từng học MBA, mình có vài chia sẻ dành cho các bạn đang cân nhắc có nên học MBA không.

Hãy học MBA khi bạn đã “đủ” kinh nghiệm làm việc

Kinh nghiệm làm việc ở đây là kinh nghiệm có liên quan đến chuyên môn/kỹ năng chuyên sâu, không phải kinh nghiệm bưng bê hay phát tờ rơi. Như thế nào là chuyên sâu? Là bạn phải làm đủ nhiều để có thể tự làm được nhiệm vụ/làm tốt được nhiệm vụ mà không cần người hướng dẫn; phải hiểu được vị trí/vai trò của mình trong bức tranh chung của cả tổ chức (mình phối hợp với phòng ban nào, mình cạnh tranh với ai, …); biết được tổng thể về mặt tổ chức của công ty như phòng ban nào làm cái gì…

Thông thường để “chuyển đổi” từ trạng thái sinh viên sang tư duy của người đi làm, bạn cần 1-2 năm. Đó là lý do vì sao nhiều chương trình MBA yêu cầu tối thiểu 02 năm kinh nghiệm. Cá nhân mình làm 03 năm rồi mới “đỡ” khờ :)). Bây giờ nhiều bạn lanh lẹ, có thể vừa đi học vừa đi làm, kinh nghiệm freelance nhiều, có thể xem đó là 1 kinh nghiệm chuyên môn cá nhân, nhưng về mặt tổ chức/giao tiếp thì cũng không hẳn bạn đã đủ “hiểu” để đi học MBA.

Chương trình MBA sẽ dạy các kiến thức tổng quát về hoạt động kinh doanh trong một doanh nghiệp và ứng dụng kiến thức đó vào xử lý tình huống; hoặc giáo sư có thể đưa ra các tình huống trong thực tê rồi yêu cầu mình phân tích, lý giải để rút ra những kiến thức chung. Nếu bản thân chưa từng đảm trách 1 công việc/nhiệm vụ gắn với 1 bộ phận chuyên môn hay tương tác với các đồng nghiệp, sẽ rất khó để hình dung môi trường làm việc thực tế là như thế nào, ứng xử công sở ra làm sao… Vì vậy muốn học và tận dụng tốt chương trình MBA, hãy đi làm cho có “đủ” kinh nghiệm đã.

Nên chọn 1 chuyên ngành thay vì học tổng quát

Thường mình thấy các bạn đi làm một vài năm kinh nghiệm thì sẽ muốn thăng tiến lên vị trí quản lý, nghĩ đến MBA là đi đúng hướng rồi, vì MBA đặc biệt phù hợp với các bạn không có background hoặc background không 100% liên quan đến kinh doanh/kinh tế. Có điều cần lưu ý trong việc chọn chương trình. MBA thường có 2 loại, loại tổng quát (general management) và loại chuyên ngành (specialization).

Tổng quát dạy 15-20 môn tương ứng với các khâu vận hành trong tổ chức như Sales, Marketing, Strategy, Supply Chain, HR, Finance, Accounting, Quantitative Method, IT …mỗi thứ một ít kiến thức để mình hiểu được bức tranh tổng quát của một công ty, bộ phận nào vai trò gì, cần bao nhiêu người, tổ chức hoạt động ra sao, phải tính toán ngân sách hoạt động, lương thưởng, giá cả, sản xuất, phân phối … thế nào.

Loại chuyên ngành thì mình thấy có MBA – Finance, MBA – Accounting, MBA – Logistics, MBA – Marketing, MBA – HR, MBA – Health Management, MBA – Hospitality, MBA – Sport … nghĩa là thay vì học mỗi thứ 1 chút thì loại chuyên ngành này sẽ rút bớt vài môn không liên quan, phân bổ thêm thời lượng giảng dạy các nội dung cần thiết cũng như đưa các tình huống liên quan và có thể ứng dụng cho chuyên ngành. Ví dụ MBA về quản trị nhà hàng khách sạn thì học nhiều hơn về dịch vụ, về văn hóa, về các công nghệ và nền tảng dùng trong quản lý NH-KS…

So với các ngành khác, MBA chấp nhận các ứng viên từ nhiều nền tảng học vấn và chuyên môn khác nhau, ai cũng chung mục tiêu học “kỹ năng quản lý”. Nhưng kỹ năng quản lý thì nó quá rộng đi, quản lý trong giáo dục nó khác quản lý trong ngành khách sạn, quản lý tư nhân thì khác quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp do mình tự làm chủ càng khác quản lý cho công ty/tổ chức khác … cho nên học xong chương trình tổng quát mình dễ bị lan man hoặc cảm thấy chưa “đủ”, tốt nhất là học chính xác cái liên quan tới mình thôi cho hiệu quả.

Hãy chọn chương trình MBA ít lý thuyết và nhiều thực tế

Mình để ý thấy, những người muốn học MBA (trừ các bạn không biết học gì chọn đại) đều đã có kinh nghiệm làm việc rồi, cái người ta cần không phải là lý thuyết đơn thuần nữa. Người ta muốn “thăng hạng”, muốn làm chủ, muốn làm công tác quản trị cho nên ngoài kiến thức học được, mối liên hệ được xây dựng với các bạn học và các giáo sư trong trường cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng, có khi còn quan trọng hơn kiến thức được dạy :)) Thực tế hồi xưa mình từng làm trợ lý cho mấy lớp học MBA, các anh chị đủ mọi nền tảng học vấn và lĩnh vực công việc như ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, sản xuất mỹ nghệ, dầu khí, bất động sản, xây dựng … từ các kết nối trong lớp họ chuyển thành kết nối trong công việc một cách dễ dàng, nhẹ nhàng và tự nhiên hơn. Như trong lớp có anh làm thủ công mỹ nghệ, công ty cũng nho nhỏ thôi, ảnh đang tìm cách bán sản phẩm qua châu Âu, hên sao có ông thầy dạy tài chính đã từng học và làm việc ở châu Âu suốt 10 năm, ông ấy giới thiệu kết nối cho anh này. Đến bây giờ sau 10 năm họ vẫn kết nỗi với nhau và anh này đã bán hàng khắp thế giới rồi.

MBA là thực tế, nên các giảng viên phải là những người có thực tế đi làm doanh nghiệp hoặc chính họ làm chủ. Có trường hợp họ không có bằng tiến sỹ về học thuật, nhưng họ lại là “tiến sỹ” thành công hay thậm chí có nhiều kinh nghiệm thất bại trong cuộc sống. Vì thế các bạn lưu ý xem qua profile của giáo viên để tìm ra được chương trình hay và thầy giỏi, tránh những người chỉ biết dạy lý thuyết và quá ít kinh nghiệm thực tế.

Làm sao biết chương trình MBA trường nào mạnh về mảng nào? Tìm thông tin trên mạng (facebook, twitter, google), riêng Canada có thể tham khảo các đánh giá và bài viết của Maclean’s (tạp chí nổi tiếng của Canada). Ví dụ UBC’s Sauder School of Business thì chú trọng vào các lĩnh vực vực/yếu tố bền vững, các vấn đề con người, đạo đức; Schulich School of business (York Uni) mạnh về mảng kinh doanh quốc tế, nếu thích năng lượng, đất đai thì qua Haskayne School of Business (Calgary Uni). Có điều các trường này đều yêu cầu phải có GMAT (cũng có khi GRE nhưng ít) và kinh nghiệm khi học MBA.

Bản thân mình đã từng học và cảm thấy MBA rất phù hợp để các bạn xây dựng mối quan hệ công việc đồng thời có kiến thức tổng quát hơn, hệ thống hơn, khéo léo hơn trong giao tế, làm việc hiệu quả hơn nhưng đừng quá nôn nóng đi học khi chưa đủ kinh nghiệm làm việc. Kiên nhẫn chờ đi làm 2-3 năm hãy đi học để phát huy tối đa lợi ích mà chương trình mang lại.

Tác giả: Uyenvnt

Bình trên Facebook

DMCA compliant image
error: Nội dung có bản quyền
Gọi ngay
Chat zalo
Gửi email