Ngành nào dễ học? Dễ có việc làm? Dễ định cư? Thu nhập cao?
Thiệt ngàn lời xin lỗi các em, các phụ huynh, chỉ có Chúa mới trả lời được những câu hỏi đó, chứ tổng thống chưa chắc đã trả lời được. Có trả lời thì ổng sẽ nói kiểu “ở đây, ngay bây giờ thì đúng, 2-4 năm sau không biết à nghen :)). Ai trả lời chắc như đinh đóng cột, hãy đặt dấu chấm hỏi về sự chân thật của họ, trừ khi mọi người “thích giả dối, ghét thật thà” :))
Các quốc gia khi hoạch định chính sách thường cố gắng đưa ra tầm nhìn cho vài chục năm. Tuy nhiên, tổng thống nhiệm kỳ tối đa 8-10 năm, nếu tổng thống đời sau vẫn duy trì chính sách đời trước mà gặp những yếu tố khách quan như dịch bệnh lần này chẳng hạn, mọi thứ cũng sẽ thay đổi. Cho nên, khi tìm trường để học, tìm nghề nghiệp để theo, hãy đừng dựa quá nhiều vào các thông tin dự đoán, hãy chọn cái mình thích, cái mình có thể làm được/có thể làm được tốt hoặc nếu chả biết mình thích hay giỏi cái gì, thì hãy đi hỏi các chuyên gia tư vấn giáo dục chuyên nghiệp, họ có phương pháp để giúp các bạn khám phá ra. Nếu không biết chuyên gia nào? Hỏi tui tui chỉ cho nhưng chuyên gia thì có thu phí chứ chất xám của họ nên họ không mần miễn phí :))
Đừng có hỏi ngành nào lương cao, vì lương cao hay thấp là do năng lực của bạn; mình có bạn làm kế toán lương 8 triệu bạn làm mà suốt ngày sếp bạn lo lắng ko an tâm mỗi khi giao việc cho bạn, không sót này cũng sót kia; nhưng cũng có bạn lương tháng 20 triệu vì bạn làm trách nhiệm hơn, chu đáo hơn, và không bao giờ để sếp phải cau mày.
Đừng hỏi ngành nào dễ xin việc, vì dễ hay khó cũng do mỗi người; hồi xưa mình học cùng một khoa, cùng 1 trường, điểm phẩy cũng ko thấp, vậy mà lớp mình ai cũng có việc trong khi mình thất nghiệp 6 tháng trời; có công ty bạn mình vào làm đc giới thiệu cho mình mình cũng toi; sau mình mới biết mình rớt hoài rớt miết là vì mình thiếu “cá tính”, “màu sắc” và “tiếng Anh” nói dở như hạch. Các bạn hãy cứ tô màu tô sơn dữ dội vào tính cách vào kỹ năng zô đừng có sợ và làm ơn hãy học tiếng Anh pờ liz :))
Về cái vụ định cư, tuy là nói 3-5 năm nữa vẫn mở cửa (như Canada) nhưng ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Bây giờ công việc đó cần, vài tháng nữa ai cũng đổ xô vì “dễ” nên hết chỗ và thành “khó”. Đừng nhìn dễ hay khó, hãy nghĩ đến tiêu chí vì sao người tuyển dụng chọn ứng viên? Vì người đó phù hợp và có năng lực, có kỹ năng và một chút may mắn (ngay đợt thay nhân sự chẳng hạn). Cho nên trừ những ngành quá hẹp như kiểu khảo cổ học (em xin lỗi) thì hầu như mọi ngành nghề trong xã hội đều cần người làm. Quan trọng người đó có đủ năng lực cạnh tranh không. Có job thì xin định cư, xong!!
Ngành nào dễ học? Không có ngành nào gọi là dễ học, chỉ có ngành phù hợp với bạn như đã nói ở trên thôi. Ví dụ thể chất bạn ốm yếu mà bạn đi đăng ký học ngành thể thao, hay bạn thích kinh doanh buôn bán mà bạn đi học kỹ sư điện tử chẳng hạn. Như nhỏ em tui, nó học ngoại ngữ cực siêu, học tiếng Anh, tiếng Pháp tiếng Đức thiệt là nhanh với sự yêu thích vô cùng, trong khi tui đưa nó quyển sách tâm lý tui học, nó bỏ chạy không kịp thở và bảo ko hiểu sao trên đời lại có ng học được mấy cái môn đó :))
Nói chung nhân định thắng thiên (duy có năm nay chịu thua thiên vậy >”<). Lương, việc, chính sách là những thứ mình không kiểm soát được theo ý muốn nếu chỉ xem các chỉ số thống kê hay dự đoán mà bỏ qua sự tìm hiểu bản thân. Trong mọi trường hợp thì cái phù hợp nhất mới đem đến sự thoải mái về tâm trí. Tâm trí thoải mái thì mọi sự sẽ đi đúng quỹ đạo thôi à.
Ella VNT
Bình trên Facebook