Mình đi công tác tỉnh cũng nhiều, nhưng ít khi có thời gian trải nghiệm các địa danh nổi tiếng ở địa phương. Đợt này đi công tác cùng đoàn với một vị Tiến sỹ khá am hiểu về lịch sử và văn hóa tâm linh các địa phương nên được thầy “khai nhãn” rất nhiều nhiều điều hay ho:
– Khu tưởng niệm 10 cô gái tuổi đôi mươi ở Ngã 3 Đồng Lộc hy sinh gần 50 năm trước. Thật sự thời còn học lịch sử ở phổ thông, nghe thì nghe vậy chứ chẳng cảm nhận được sự khốc liệt và những hy sinh của thế hệ trước. Lần này vì đi với thầy nên được ưu ái xếp luôn anh hướng dẫn viên giỏi nhất thuyết minh riêng, cái giọng Nghệ An nhẹ nhàng, truyền cảm làm mình nghe mê mẩn, ảnh còn đọc thêm bài thơ “Cúc ơi” (tên của 1 trong 10 cô gái hy sinh) làm mình nghẹn ngào nước mắt rơi lã chã. Bởi, học lịch sử là phải nhấc mông đi đến tận nơi, nhìn tận mắt và nghe anh hướng dẫn viên đẹp trai thuyết minh thì mới hiểu được.^^
– Tín ngưỡng thờ mẫu và nghi thức hầu Đồng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hồi trước cứ thấy mê tín sao sao đó, nhưng nghe giải thích và nhìn dưới góc độ văn hóa dân gian lại cảm thấy vô cùng độc đáo với rất nhiều nội dung thể hiện sự uyên bác cũng như sự sáng tạo vô bờ của ông bà mình.
– Nghe các giai thoại về Đền Hoàng Mười và tại sao lại có 02 nơi thờ ông Hoàng Mười tại Nghệ An. Đền ông Hoàng Mười thờ tướng Nguyễn Xí (giả thiết nhiều người ủng hộ nhất) người có công đánh giặc giữ nước và giúp dân làm ăn sinh sống. Ông Hoàng Mười “độ” cho những ai đến cầu xin ông về sự nghiệp, công việc. Vì đền là nơi thờ Thánh, thường là những nhân vật có thật được phong thánh nên luôn có tính cách “người”, và vì có tính người nên ông cũng thích chơi tổ tôm ^^ ông thích chơi tổ tôm nên khi sắm lễ nhất định phải có trầu, cau và … tổ tôm.
– Khu tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du, cũng là gia trang của dòng họ Nguyễn thời xưa. Đến mới thấy, các cụ thật là biết quy hoạch, xây dựng, hơn khối kiến trúc sư bây giờ. Gia trang bố trí khu vực sinh hoạt ở mức tối thiểu, còn lại đều là cây cối, thiên nhiên xanh mát, trước mặt là sông, sau dựa núi, phong thủy hữu tĩnh, nói sao Nguyễn Du không văn thơ lai láng cho được.
– Rồi chùa Đại Tuệ mới xây dựng có nguồn gốc từ núi Đại Huệ, ngày xưa anh trai cụ Hồ đã chôn cất mẹ cụ Hồ ở đấy ra sao; những câu chuyện về vua Cảnh Thịnh con trai vua Quang Trung được chôn cất ở đấy thế nào. Rồi vị trí hiện nay của chùa ở lưng chừng núi non, ẩn trong rừng thông xanh mát, có thể bao quát cả một vùng dưới chân núi. Công nhận các bậc tiền bối nhìn thế đất thật là tài tình.
Trước giờ cứ nghĩ mình cũng biết nhiều về văn hóa Việt Nam, nhưng hóa ra kiến thức cũng chỉ là hạt cát. Đi Tây cho lắm mà Ta ko nắm thiệt là nhục mặt. Nói gì thì nói mình vẫn rất ngưỡng một những nét văn hóa dân gian cũng như kiến trúc đền chùa cổ kính của dân tộc ở miền Bắc và miền Trung. Hy vọng mai mốt sẽ có nhiều cơ hội để khám phá thêm những điều hay ho của đất nước mình.
Tác giả: Uyenvnt
Bình trên Facebook