Đây là bài viết của chuyên viên tư vấn Đỗ Khoa Nguyên Nhung đang làm việc tại công ty VNTalent. Đây cũng là nhân viên đã trực tiếp xử lý và chăm sóc hồ sơ của em cho đến khi em bay.
Hôm nay, mình viết về một em học sinh – Nguyễn Thị M.A, em là học sinh của một bạn đồng nghiệp trong công ty. Sau khi bạn đồng nghiệp chuyển công tác mình đã chăm sóc hồ sơ của em M.A.
Em là một cô gái bề ngoài nhìn thì rất là cá tính (đợt em gặp mình là tóc em nhuộm màu hồng, đợt thì màu tím, mặc quần áo thì rất rock chít). Mình nghĩ nhiều người nếu chỉ nhìn bề ngoài có thể nhận xét là em ngỗ nghịch.
Vậy mà khi mình tiếp xúc và làm hồ sơ cho em (một khoảng thời gian cũng kha khá để mình cảm nhận). Mình mới phát hiện tính cách của em rất nhẹ nhàng, vui tính, hoà đồng, chịu khó khám phá, trải nghiệm và rất chân thật. Mình rất ấn tượng vì trong suốt thời gian làm việc với em lúc nào em cũng có “dạ thưa” trong các câu nói. Trong đợt mình cùng em lên lãnh sự quán, mình thấy em biết nói lời cảm ơn và xin lỗi. Thật ra, những cái này nó rất nhỏ, nhưng phần nào phản ánh được tính cách và con người mỗi cá nhân.
Vèo vèo trên các tuyến đường, em đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện với mình. Những câu chuyện mà mình nghĩ em hẳn phải là một người rất sâu sắc có được nhận xét về sự việc như vậy.
Hôm mình ra sân bay tiễn em bay sang Thuỵ Sỹ, mình gặp cha em. Thật ra trong quá trình mình làm hồ sơ, mình gặp chú nhiều lắm, nhưng mà không bao giờ kịp nói chuyện sâu sắc với chú. Chú làm cao su nên dáng người chú nhỏ và rất ốm, chắc có lẽ đây là hậu quả của việc chú phải tiếp xúc thường xuyên với mủ cao su.Hôm đó, chú kể với mình chú là gà trống nuôi 3 con. Nhiều hàng xóm thấy chú làm hồ sơ cho M.A du học liền hỏi “Cho 1 đứa đi rồi, giờ đứa này cũng cho đi, mai mốt đứa kia nó cũng đi du học luôn rồi ông ở đây ai chăm lo? Cho đi như vậy làm gì, mất con mà còn tốn tiền”. Chú mới nói với mình “Chú làm việc cực khổ nhiêu chú cũng chịu, đơn giản là vì chú muốn lo cho tương lai tụi nó tốt hơn. Chú không muốn nó sau này cứ làm công nhân mấy cái xí nghiệp gần nhà ngày 8 tiếng rồi đi về. Càng không muốn tụi nó làm cái cao su mà chú làm, cực khổ và độc hại lắm con. Tiền chú làm được là để lo cho tụi nó, chết chú cũng không mang theo được. Giờ chú cho đám nó kiến thức sau này tự nó nuôi nó, chứ chú không sống với tụi nó suốt đời mà lo cho tụi nó hoài được. Sau này, đứa nào thương chú thì cho chú 2-3 triệu là chắc chú đủ ăn cả tháng với hút thuốc lá, uống cà phê được rồi”, giọng của chú chân chất đúng cái chất miền Tây, vừa nói chú vừa cười mà mắt lại rưng rưng vì lúc này thì chắc chỉ còn tầm 30 phút nữa là M.A bay rồi. Mình cũng cười mà trong lòng cũng nghẹn, làm nhiều rồi mới thấu hiểu nỗi lòng cha mẹ, nhiều khi con cái chẳng bao giờ thấu hiểu được. Mà cha mẹ lại chẳng bao giờ có cơ hội nói được với con cái. Mà có cha mẹ nói rồi, nhiều lúc con cái cũng chưa đủ trải nghiệm để hiểu nội tâm của cha mẹ. Trước lúc M.A bay mình dặn em cố gắng học đừng phụ lòng mong mỏi của ba. Chưa bao giờ mình thấy con nhỏ tưng tửng này lại chịu khó nghe mình nói trọn câu mà không lanh chanh, đầu thì gật lia lịa rồi chạy lại ôm chào ba nó. Làm nghề này đúng là quý lắm mấy cái giây phút nhỏ nhoi này. Mấy cái giây phút này nó quyền lực tới mức có thể thay đổi cả thế giới quan của một con người. Giờ M.A bay được gần 2 tuần rồi, em nó bắt đầu làm quen cuộc sống xa gia đình, tập nói tiếng Anh mỗi ngày, tự dọn dẹp phòng,… Ngày nào, em nó cũng gọi về cho ba, mình nghĩ chắc chú sẽ rất vui, chắc chú sẽ thấy cái công sức của mình xứng đáng vô cùng.Cảm ơn những người cha người mẹ luôn âm thầm hy sinh cho con cái.
Mọi người yên tâm là sau một thời gian nữa, mình sẽ lại cập nhật là M.A đã phát triển và thay đổi như thế nào sau khi đi du học nhé.
Bình trên Facebook