5 bước xác định ngành học phù hợp nhu cầu xã hội

5 bước xác định ngành học phù hợp nhu cầu xã hội. “Mình nên xác định ngành học nào?”

Đây là câu hỏi phổ biến của học sinh khi nghĩ về việc học đại học và nghề nghiệp. Có rất nhiều lời khuyên cho vấn đề này và các em có thể dễ dàng tìm kiếm trên google. Lời khuyên phổ biến là các em phải xác định năng khiếu của mình rồi tìm ngành nghề. Lời khuyên này đúng nhưng chưa đầy đủ. Ở tuổi các em sẽ khó xác định năng khiếu một cách chính xác và đầy đủ. Nhiều trường hợp, năng khiếu chỉ “phát lộ” khi các em được tiếp xúc với môi trường tương ứng. Các em cần tham khảo 5 bước xác định ngành học phù hợp với nhu cầu xã hội bên dưới.

VNTalent sẽ gợi ý các em 5 bước xác định ngành học phù hợp như sau:

Bước 1: Xác định sở thích và năng khiếu của bản thân

Viết ra giấy sở thích và năng khiếu của mình. Sở thích là tất cả các vấn đề trong cuộc sống mà mình có hứng thú và quan tâm. Năng khiếu là việc mình có thể làm được hoặc làm tốt mà không thấy khó khăn. Ví dụ sở thích là các em thích đọc sách, nghe nhạc, xem ti vi hay chơi thể thao. Năng khiếu là khả năng học tiếng Anh nhanh hiểu, nhanh sử dụng được thành thạo.

Bước 2: Tìm hiểu thông tin các ngành nghề

Các em cần tìm kiếm nhằm hiểu được ngành đó là gì để theo học. Bên cạnh đó ngành đó cần kỹ năng gì để xem mình có theo đuổi khi đi làm được không. Để tìm thông tin về ngành học có thể vào website các trường đọc thông tin nội dung ngành học. Trường nào cũng có khung chương trình cho từng ngành học. Ví dụ như môn học nào, môn đó dạy gì, ra trường làm gì, học bao nhiêu tín chỉ … Thông tin về kỹ năng ngành nghề các em cũng có thể tìm thấy trên các trang web tìm việc. Ví dụ như vietnamwork.com, timviecnhanh.com … Vào trang web, gõ từ khóa từng nghề, đọc thông tin các công ty yêu cầu gì. Từ đó suy ra các kỹ năng mình cần tích lũy và xem khả năng mình có phù hợp không.

Bước 3: Tham khảo mức lương trung bình của các ngành

Cũng trong các trang web tìm việc, hoặc thông tin tổng hợp về mức lương của các website thống kê, xem 10-20 top các ngành được trả lương cao có nằm trong phạm vi kỹ năng và kiến thức của bản thân có thể đáp ứng được không, trình độ bằng cấp yêu cầu cho các mức lương để xác định nên học đại học hay cao đẳng hay học nghề ….Nếu các ngành mình thích hoặc có kỹ năng không nằm trong nhóm ngành này, thì mở rộng tìm kiếm, xem có ngành nào vừa phù hợp khả năng, vừa có mức lương đáp ứng nhu cầu cuộc sống và phát triển.

Bước 4: Tìm hiểu nhu cầu nhân lực của công việc

Đây cũng là bước vô cùng quan trọng, nếu ngành mình thích, có khả năng, được trả lương cao nhưng nhu cầu không nhiều thì cơ hội mình có việc làm sẽ thấp. Do đó, mẹo là các em lại dùng chính các trang web tìm việc để tìm kiếm bằng từ khóa, xem số lượng các thông tin tuyển dụng về vị trí đó, ngành đó có nhiều không, tần suất thường xuyên không, công ty nước ngoài hay trong nước tuyển dụng, độ tuổi nào, trình độ nào … Ngoài ra cũng có thể xem thêm các báo cáo của tổng cục thống kê https://www.gso.gov.vn/ để nắm được các yếu tố cơ bản về nhu cầu nhân lực theo độ tuổi, vùng, miền, ngành, trình độ … của từng năm và xem dự đoán nhân lực cho 5 – 10 năm tới.

Bước 5: Tham khảo mức độ thỏa mãn với công việc:

Các em cần tham khảo thêm thông tin “thực tế” từ chính những người làm trong các lĩnh vực mà mình nhắm đến. Để ý xung quanh mình xem anh chị em bạn bè cô chú có ai đang làm các công việc mà mình muốn tìm hiểu không, hoặc là tìm kiếm các nhóm trên facebook chuyên tâm sự về nghề nghiệp, hỏi kinh nghiệm cá nhân để nghe chia sẻ. Không có gì xác thực hơn chính những người làm nghề nói về nghề nghiệp của họ. Nếu họ hạnh phúc thoải mái với công việc đó thì mình có thể cân nhắc, ngược lại nên suy nghĩ cẩn thận trước khi theo đuổi. Một điều lưu ý là các em phải hỏi nhiều người để có cái nhìn đa chiều hơn, vì suy cho cùng ý kiến cá nhân mang tính chủ quan, nếu chỉ 1-2 người nhận xét thì sẽ không có mình cái nhìn khái quát.

Nhìn chung, chọn ngành học cần sự tham khảo, tìm hiểu nghiêm túc và chuẩn bị kỹ lưỡng lâu dài. Không ai khác ngoài chính bản thân các em phải chủ động và nhờ sự giúp đỡ khi cần thiết. Ngành học cần gắn liền với thực tế. Học ngành nào cũng quy về mục tiêu có 1 công việc nuôi sống bản thân trong ngắn hạn. Ngành này cũng nên giúp phát triển bản thân trong dài hạn. Phải có sự kết hợp của 5 bước xác định ngành học, không nên chỉ dựa vào 1 tiêu chí. Nếu không sẽ gặp tình trạng ra trường không có việc làm. Hoặc có việc nhưng lương không đủ sống, tệ hơn nữa là làm nghề mình không đam mê.

Bình trên Facebook

DMCA compliant image
error: Nội dung có bản quyền
Gọi ngay
Chat zalo
Gửi email