Các mục trong bài
Từ rễ cây đến phương thuốc: Y học cổ truyền ở Trung Quốc và Việt Nam khái quát về nguồn gốc của Y học cổ truyền (YHCT), triết lý và phương pháp chẩn đoán, điều trị. Bên cạnh đó bài viết cũng cung cấp một số thông tin về việc tiêu thụ sản phẩm, vấn đề chi phí và đối tượng sử dụng YHCT.
Nhu cầu về chuyên gia và tiêu thụ sản phẩm YHCT trên thế giới
Theo WHO, nhu cầu trị liệu YHCT khá đáng kể ở các nước:
- Ở Úc, các bệnh nhân tìm đến bác sĩ châm cứu, bác sĩ chỉnh hình và liệu pháp thiên nhiên đã tăng nhanh với mức tăng hơn 30% từ năm 1995 đến 2005, khi 750,000 lượt được ghi nhận trong khoảng thời gian hai tuần.
- Theo một cuộc khảo sát quốc gia ở Trung Quốc, số lượt khám bệnh theo phương pháp YHCT Trung Quốc là 907 triệu lượt trong năm 2009, chiếm 18% tổng số lượt khám bệnh tại các cơ sở được khảo sát; số lượng bệnh nhân nội trú YHCTTQ là 13,6 triệu, chiếm 16% tổng số bệnh viện được khảo sát.
- Ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, 80% dân số sống ở vùng nông thôn trong tổng số 9113 làng: mỗi làng có một hoặc hai thầy lang. Tổng cộng có 18, 226 thầy thuốc y học cổ truyền cung cấp một phần lớn dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho 80% người dân.
- Tại Saudi Arabia, một nghiên cứu gần đây cho thấy các cá nhân tự trả 560 đô la Mỹ mỗi năm cho các dịch vụ YHCT.
Trong khi đó, dữ liệu có sẵn cho thấy thị trường sản phẩm YHCT khá lớn:
- Sản lượng dược liệu của Trung Quốc ước tính đạt 83,1 tỷ USD vào năm 2012, tăng hơn 20% so với năm trước.
- Tại Hàn Quốc, chi tiêu hàng năm cho YHCT là 4,4 tỷ USD năm 2004, tăng lên 7,4 tỷ USD năm 2009.
- Chi tiêu từ tiền túi cho các sản phẩm tự nhiên ở Hoa Kỳ là 14,8 tỷ USD trong năm 2008
Những ai lựa chọn YHCT?
Một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính sử dụng các dịch vụ YHCT thường xuyên hơn. Ví dụ:
- Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy những bệnh nhân có vấn đề về cơ xương khớp đến gặp bác sĩ nắn xương tại các cơ sở hành nghề gia đình chiếm 23% tổng số lần khám trong khoảng thời gian một năm.
- Ở Pháp, bệnh nhân rối loạn cơ xương mãn tính chiếm tỷ lệ lớn hơn trong các lần đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ các phương pháp thay thế cho thuốc thông thường.
- Một số lượng lớn bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng sử dụng các phương pháp điều trị bằng thuốc bổ sung và thay thế, tỷ lệ sử dụng dao động từ 41% ở Tây Ban Nha đến 70% ở Canada và 82% ở Úc.
- Ở Trung Quốc, dựa trên dữ liệu từ giám sát quốc gia về các dịch vụ YHCT, năm bệnh hàng đầu phải nhập viện YHCT năm 2008 là: tai biến mạch máu não, lệch đĩa đệm, trĩ, bệnh tim thiếu máu cục bộ và tăng huyết áp vô căn.
- Hàn Quốc báo cáo rằng các bệnh thường nhập viện y học Hàn Quốc trong năm 2011 là rối loạn hệ thống xương, khớp và cơ, khó tiêu, viêm xương khớp đầu gối và rối loạn dây thần kinh mặt.
Lợi ích về chi phí của YHCT
Một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng đã đánh giá khía cạnh kinh tế của vật lý trị liệu, trị liệu dùng tay (manual therapy) và chăm sóc của bác sĩ đa khoa: kết quả cho thấy nhóm trị liệu bằng tay cải thiện nhanh hơn nhóm vật lý trị liệu và chăm sóc của bác sĩ đa khoa, và tổng chi phí của trị liệu bằng tay (€447) bằng khoảng một phần ba chi phí vật lý trị liệu (€1297) và chăm sóc bác sĩ đa khoa (€1379). Điều này cho thấy liệu pháp bằng tay hiệu quả hơn và ít tốn kém hơn trong điều trị đau cổ so với liệu pháp vật lý trị liệu hoặc chăm sóc từ bác sĩ đa khoa. Nghiên cứu chỉ ra rằng chi phí trị liệu bằng tay ít tốn kém là do ít phải dùng thuốc và nằm viện.
Vậy YHCT là gì? Và Lương y/Y sư/Bác sỹ YHCT là ai?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì “YHCT đề cập đến kiến thức, kỹ năng và thực hành dựa trên lý thuyết, niềm tin và kinh nghiệm bản địa của các nền văn hóa khác nhau, được sử dụng để duy trì sức khỏe và phòng ngừa, chẩn đoán, cải thiện hoặc điều trị bệnh tật về thể chất và tinh thần. Y học cổ truyền thường được gọi là y học thay thế hoặc bổ sung ở nhiều quốc gia. Phương pháp điều trị bằng thảo dược là hình thức phổ biến nhất của y học cổ truyền và 70% đến 80% người dân trong Khu vực đã sử dụng hình thức này như một dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.”
Những chuyên gia YHCT theo Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) thì “Chuyên gia YHCT điều trị các bệnh về tinh thần và thể chất của con người bằng các loại thảo mộc, cây thuốc và các kỹ thuật khác theo truyền thống trong cộng đồng. Việc chữa bệnh chú trọng vào khả năng phục hồi tự nhiên của cơ thể đi kèm tư vấn các phương pháp để bảo vệ hoặc cải thiện sức khỏe” (ISCO-Bảng phân loại nghề nghiệp quốc tế)
Lưu ý rằng các chuyên gia về YHCT có thể được gọi là lương y, y sư, hay bác sỹ tùy vào truyền thống, kinh nghiệm, chuyên môn, bằng cấp, chứng nhận, … của quốc gia mà họ hành nghề.
YHCT có từ khi nào?
Rất khó xác định chính xác, chỉ biết rằng YHCT có lịch sử kéo dài hàng ngàn năm gắn liền với sự phát triển của các nền văn minh cổ đại. Việc sử dụng các biện pháp tự nhiên, thảo dược và các liệu pháp truyền thống khác có thể bắt nguồn từ các nền văn minh sớm như Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc và Hy Lạp.
Trong nhiều nền văn hóa, YHCT là hình thức chăm sóc sức khỏe chính trong nhiều thế kỷ. Ví dụ, ở Hy Lạp cổ đại, “cha đẻ của ngành y” là Hippocrates, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp tự nhiên và khả năng phục hồi tự nhiên. Tương tự như vậy, ở Ấn Độ, y học Ayurvedic, hệ thống y học truyền thống trong đó mọi người được điều trị bằng cách kết hợp một số loại thực phẩm, thảo mộc, xoa bóp và tập thể dục đã được thực hành hàng ngàn năm và vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
YHCT cũng đóng một vai trò quan trọng ở Trung Quốc cổ đại. Y học Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cân bằng và hài hòa trong cơ thể, đồng thời kết hợp nhiều phương pháp thực hành như châm cứu, thảo dược và thái cực quyền. Hoàng Đế Nội Kinh (Huangdi Neijing), một văn bản có từ trước Công nguyên, được coi là một trong những tác phẩm nền tảng của YHCT Trung Quốc (YHCTTQ)
Ở nhiều nơi trên thế giới, YHCT tiếp tục là hình thức chăm sóc sức khỏe chính cho đến thế kỷ 20. Với sự ra đời của y học hiện đại, các phương pháp điều trị truyền thống phần lớn đã bị thay thế ở nhiều nước phương Tây. Mặc dù vậy, YHCT vẫn được xem trọng ở nhiều nước phương Đông và ngày càng thu hút sự chú ý vì đề cao tính tự nhiên trong chăm sóc sức khỏe.
Hiện nay, YHCT được tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là một hình thức chăm sóc sức khỏe có giá trị. WHO đã ban hành Chiến lược Y học Cổ truyền nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụngYHCT an toàn và hiệu quả trên toàn thế giới.
Y học cổ truyền phương Đông (YHCTPĐ)
YHCTPĐ (Traditional Oriental Medicine) đề cập đến hệ thống YHCT có nguồn gốc từ Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Hệ thống này gồm một loạt các phương thức chữa bệnh như thảo dược, châm cứu, xông ngải, giác hơi, cạo gió và khí công. YHCTPĐ dựa trên các nguyên tắc âm dương, ngũ hành và dòng chảy của khí xuyên xuất hệ thống kinh mạch của cơ thể.
Nguồn gốc của YHCTPĐ bắt đầu từ Trung Quốc cổ đại hàng ngàn năm trước. Bản ghi chép sớm nhất về YHCTPĐ có thể được tìm thấy trong tác phẩm Hoàng đế nội kinh. Cuốn sách mô tả các khái niệm về âm và dương, cũng như sự lưu thông của khí trong cơ thể. Sách cũng đề cập tới các huyệt châm cứu và các phương thuốc thảo dược cho các bệnh khác nhau.
Trải qua nhiều thế kỷ, YHCTPĐ không ngừng phát triển và lớn mạnh. Vào thời nhà Hán, thầy thuốc Trương Trọng Cảnh đã viết Thương hàn tạp bệnh luận, được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của y học cổ truyền Trung Quốc (YHCTTQ). Sách mô tả chẩn đoán và điều trị các bệnh do mầm bệnh bên ngoài như cảm lạnh, cảm gió. Trương Trọng Cảnh được người đời sau tôn là Thánh y.
Vào thời nhà Đường, danh y Tôn Tư Mạc đã viết quyển Phương thuốc Ngàn vàng (nguyên văn tiếng Anh là Thousand Golden Essential Prescriptions, không biết dịch sao cho hay :)), với hàng ngàn công thức sử dụng thảo dược. Ông cũng được biết đến với việc nhấn mạnh vào lối sống và yếu tố phòng ngừa hơn chữa bệnh, chẳng hạn như chế độ ăn uống và tập thể dục.
Trong suốt lịch sử YHCTPĐ đã bị ảnh hưởng bởi nhiều truyền thống triết học và văn hóa khác nhau, chẳng hạn như Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Những ảnh hưởng này đã định hình các khái niệm và thực hành cơ bản của YHCTPĐ, ví dụ như nhấn mạnh vào sự cân bằng và hài hòa, sử dụng châm cứu và các phương pháp chữa bệnh bằng thảo dược, cũng như sự kết hợp giữa tâm trí và thể lý trong chữa bệnh.
YHCTPĐ có một số đặc điểm khác biệt với y học phương Tây như
- Phương pháp tiếp cận toàn diện: xem cơ thể là một hệ thống hoàn chỉnh và việc điều trị nhằm mục đích khôi phục lại sự cân bằng và hài hòa cho toàn bộ con người, thay vì chỉ điều trị các triệu chứng hoặc bệnh riêng lẻ.
- Khí: tin rằng khí, hay năng lượng sống, chảy khắp cơ thể dọc theo các kinh mạch. Sự mất cân bằng trong dòng khí được cho là nguyên nhân gây ra bệnh tật và việc điều trị nhằm mục đích khôi phục dòng khí thích hợp.
- Thuyết âm dương: xem cơ thể bao gồm hai lực lượng bổ sung và đối lập nhau là âm và dương. Người ta tin rằng sức khỏe là kết quả của sự cân bằng giữa hai lực lượng này và bệnh tật xảy ra khi sự cân bằng này bị phá vỡ.
- Thuyết ngũ hành: xem cơ thể bị chi phối bởi năm yếu tố là mộc, hỏa, thủy, kim, và thổ, mỗi yếu tố có các mối liên hệ và đặc điểm riêng. Sức khỏe được cho là kết quả của sự cân bằng hài hòa giữa các yếu tố này và bệnh tật là kết quả của sự mất cân bằng giữa chúng.
Về phương pháp điều trị, YHCTPĐ kết hợp một loạt các liệu pháp phổ biến như
- Châm cứu: đưa kim vào các điểm cụ thể trên cơ thể để kích thích dòng năng lượng và thúc đẩy quá trình chữa bệnh.
- Thảo dược: sử dụng các chất tự nhiên như thực vật, khoáng chất và các sản phẩm động vật, để điều trị bệnh và tăng cường sức khỏe. Các công thức thảo dược thường được tùy chỉnh cho từng bệnh nhân dựa trên các triệu chứng cụ thể.
- Giác hơi: dùng giác hút để tạo chân không trên da, nhằm giúp thúc đẩy lưu lượng máu và giảm đau.
- Đốt ngải: đốt các loại thảo mộc khô, thường là ngải cứu, trên hoặc gần các điểm cụ thể trên cơ thể để thúc đẩy quá trình chữa bệnh.
- Tuina: là hình thức xoa bóp của Trung Quốc sử dụng áp lực để thúc đẩy quá trình chữa bệnh và thư giãn.
- Khí công: hình thức tập thể dục nhẹ nhàng kết hợp chuyển động, hít thở và thiền định để tăng cường sức khỏe tổng thể. Khí công thường được sử dụng để giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ và tăng năng lượng.
- Liệu pháp ăn kiêng: sử dụng các loại thực phẩm cụ thể và các khuyến nghị về chế độ ăn uống để tăng cường sức khỏe và điều trị bệnh.
Y học cổ truyền Trung Quốc (YHCTTQ)
YHCTTQ là khởi nguyên cho sự ra đời của YHCTPĐ. Đó là lý do vì sao Y học cổ truyền Trung Quốc tác động mạnh mẽ đến y học cổ truyền phương Đông và các quốc gia khác.
Ở Trung Quốc người ta thường tin rằng bệnh tật là do sự mất cân bằng giữa âm và dương. Âm đại diện cho năng lượng lạnh và thụ động, trong khi Dương đại diện cho năng lượng ấm áp và tích cực. Sự mất cân bằng giữa hai lực lượng này trong cơ thể dẫn đến bệnh tật. YHCTTQ hướng đến việc khôi phục lại sự cân bằng âm dương trong cơ thể để tăng cường sức khỏe. Ngoài ra, tương tự y học cổ truyền phương Đông, YHCTTQ cũng tin vào thuyết ngũ hành và sử dụng lý thuyết này trong chẩn đoán lẫn điều trị.
Trong thế kỷ 20, YHCTTQ đã trải qua những thay đổi và hiện đại hóa đáng kể. Năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập và YHCTTQ chính thức được công nhận là một phần của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc.
Y học cổ truyền Việt Nam (YHCTVN)
Việt Nam nằm ở cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á và Đông Á khiến nước ta trở thành trung tâm giao lưu văn hóa, dẫn đến sự hội nhập của các truyền thống y học khác nhau.
Một trong những ảnh hưởng sớm nhất đối với YHCTVN là y học Trung Quốc. Hai nước có lịch sử trao đổi văn hóa lâu đời, bắt đầu từ thời nhà Hán. Nhờ đó, YHCTTQ đã có tác động không nhỏ đến sự phát triển của nền YHCTVN. Chẳng hạn, châm cứu, thảo dược, giác hơi đều là những phương pháp chữa bệnh được du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc và đã trở thành một bộ phận của YHCTVN.
Ấn Độ cũng có ảnh hưởng đến YHCTVN thông qua việc du nhập Phật giáo. Khi Phật giáo truyền bá khắp châu Á, thiền định và chánh niệm được lan truyền khắp châu lục, triết lý này ngày nay cũng là một phần không thể thiếu trong YHCTVN. Ngoài ra, y học Ayurvedic, một hệ thống y học cổ truyền của Ấn Độ, cũng có tác động đến YHCTVN, đặc biệt là trong việc sử dụng thảo dược, ví dụ như việc dùng nghệ và húng quế (holy basil không biết dịch là húng quế hay hương nhu??) trong chữa bệnh.
Các danh y Việt Nam đã kết hợp các khái niệm và phương pháp của y học cổ truyền nước ngoài vào hệ thống y khoa dân tộc, dẫn đến sự pha trộn độc đáo giữa y học Việt Nam và các nước. Các kỹ thuật và kiến thức về YHCTVN đã được phát triển mạnh trong các triều đại Lý và Trần. Chính trong thời gian này đã xuất hiện nhiều danh y Việt Nam, trong đó có Lê Hữu Trác, người được coi là cha đẻ của YHCTVN.
Thời Pháp thuộc, Tây y du nhập vào Việt Nam và trở thành nền y học thống trị. Tuy nhiên, y học cổ truyền vẫn tiếp tục được sử dụng cùng với y học phương Tây và sau khi Việt Nam giành được độc lập, chính phủ đã thực hiện các bước để thúc đẩy phát triển và sử dụng YHCT. Những năm gần đây, YHCTVN ngày càng được xem trọng khi nhà nước tích hợp YHCT vào hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, hầu như tỉnh nào cũng có bệnh viện YHCT do nhà nước đầu tư, điều trị Đông Tây y kết hợp.
Một số điểm giống và khác giữa YHCTPĐ, YHCTVN, YHCTQ, và Tây y
YHCTPĐ, YHCTVN, YHCTQ đều là những hệ thống chữa bệnh lâu đời có lịch sử hàng ngàn năm ở Châu Á. Mỗi hệ thống có triết lý, cách tiếp cận và kỹ thuật tương đồng lẫn khác biệt trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Triết lý chữa bệnh
YHCTPĐ, YHCTVN, YHCTTQ đều có cùng cách tiếp cận toàn diện trong chữa bệnh qua việc xem cơ thể là một hệ thống tổng hợp bao gồm các yếu tố thể chất, cảm xúc và tinh thần. Ba nhánh y học cũng chia sẻ niềm tin rằng bệnh tật là do sự mất cân bằng hoặc gián đoạn trong dòng năng lượng hoặc khí tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, chúng khác nhau về cách tiếp cận cụ thể.
Bên cạnh đó, Y học phương Tây dựa trên cách tiếp cận loại trừ trong chữa bệnh. Thể hiện qua việc xem cơ thể như một tập hợp các bộ phận riêng lẻ có thể được điều trị riêng biệt. Y học phương Tây nhấn mạnh việc sử dụng thuốc, phẫu thuật và các biện pháp can thiệp khác để điều trị các triệu chứng hoặc bệnh tật cụ thể.
Phương pháp chẩn đoán
YHCTPĐ, YHCTVN, YHCTTQ đều sử dụng các phương pháp chẩn đoán tương tự dựa trên “tứ chẩn” là vọng (nhìn), văn (nghe/ngửi), vấn (hỏi), thiết (sờ nắn/xem mạch) để thu thập thông tin về các triệu chứng và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Y học phương Tây sử dụng phương pháp khoa học hơn để chẩn đoán, dựa vào các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu hình ảnh và các biện pháp khách quan khác để xác định các bệnh hoặc tình trạng cụ thể.
Phương pháp điều trị
YHCTPĐ, YHCTVN, YHCTTQ đều sử dụng các phương pháp điều trị để khôi phục lại sự cân bằng cho cơ thể và thúc đẩy quá trình lành bệnh. Bao gồm châm cứu, thảo dược, giác hơi, thực dưỡng.
Y học phương Tây chủ yếu dựa vào dược phẩm, phẫu thuật và các biện pháp can thiệp xâm lấn khác để điều trị các triệu chứng hoặc bệnh cụ thể.
Nói chung, Y học phương Tây tập trung vào dược phẩm và can thiệp xâm lấn, về cơ bản khác với các hệ thống chữa bệnh truyền thống phương Đông
Thuật ngữ Đông Y, Thuốc Nam, và Thuốc Bắc có gì khác biệt?
Các thuật ngữ Đông Y, Thuốc Nam và Thuốc Bắc đôi khi sử dụng thay thế nhau để mô tả về tên gọi YHCTVN, đôi khi cũng dùng để chỉ các trường phái y học cổ truyền khác nhau ở nước ta. Để hiểu đúng cần đặt thuật ngữ trong ngữ cảnh phù hợp. Một số ý nghĩa khác có thể nhận thấy là:
Đông Y nghĩa rộng chỉ YHCTPĐ, có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại và lan truyền sang Việt Nam và các nước lân cận khác theo thời gian, theo nghĩa hẹp chính là chỉ YHCTVN. Thuốc Nam đề cập đến việc sử dụng các loại thảo mộc và các chất tự nhiên khác có sẵn ở Việt Nam, sử dụng theo YHCTVN. Thuốc Bắc chỉ việc sử dụng các loại thảo mộc và các chất tự nhiên khác có nguồn gốc từ Trung Quốc, sử dụng theo YHCTTQ.
Một số môn học được đào tạo khi học về YHCT
- Giải phẫu Sinh lý Cơ thể người: môn học này mang lại kiến thức khái quát về cấu trúc và chức năng của cơ thể con người. Bạn nào thích học Sinh học là thích lắm đây
- Bệnh học: nói về các loại bệnh tật và cách chúng ảnh hưởng đến cơ thể, đây là môn học quan trong giúp chẩn đoán và điều trị bệnh trong Đông y lẫn Tây y.
- Lý thuyết Y học cổ truyền: gồm các nguyên tắc và lý thuyết của Y học cổ truyền như các khái niệm về Khí, Âm Dương, Ngũ hành, hệ thống kinh mạch …
- Châm cứu: dạy các kỹ thuật và nguyên tắc châm cứu, là một môn quan trọng của Y học cổ truyền.
- Thảo dược: giới thiệu các loại thảo dược, công dụng và các nguyên tắc, cách sử dụng thảo dược trong Y học cổ truyền.
- Xoa bóp và bấm huyệt: dạy các nguyên tắc và kỹ thuật xoa bóp giúp lưu thông khí.
Tóm lại
Nhìn chung YHCTVN và các nước phương Đông có khá nhiều nét tương đồng, chính vì vậy trong thực tế các bệnh viện hay đại học ở Việt Nam vẫn thường xuyên có hoạt động hợp tác đào tạo, trao đổi, chuyên môn với Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc … Bên cạnh đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe không dùng thuốc ngày càng tăng, thậm chí trào lưu thực dưỡng, vốn dựa trên nhiều nguyên lý từ YHCT đang là xu thế trong giới trẻ lẫn những cá nhân quan tâm đến sức khỏe. Mặt khác, WHO cũng xây dựng chiến lược YHCT trên phạm vi toàn cầu cho giai đoạn 2014 – 2023 với 3 mục tiêu:
- Mục tiêu 1: Xây dựng cơ sở kiến thức để quản lý tích cực YHCT thông qua các chính sách quốc gia phù hợp
- Mục tiêu 2: Tăng cường đảm bảo chất lượng, an toàn, sử dụng hợp lý và hiệu quả YHCT bằng cách điều chỉnh sản phẩm, ứng dụng và chuyên gia.
- Mục tiêu 3: Đẩy mạnh bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân bằng cách lồng ghép các dịch vụ YHCT vào cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.
Những điều này mở ra nhiều cơ hội cho các chuyên gia với chuyên môn và bằng cấp uy tín về YHCT.
Tham khảo
Bureau of Statistics, work unit of the Policy Integration Department. (n.d.). https://www.ilo.org/public/english/bureau/stat/isco/isco88/3241.htm
Che, C., George, V., Ijinu, T. P., Pushpangadan, P., & Andrae-Marobela, K. (2017). Traditional Medicine. Elsevier EBooks, 15–30. https://doi.org/10.1016/b978-0-12-802104-0.00002-0
Chinese Medicine. (2019, December 2). Johns Hopkins Medicine. https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/chinese-medicine
EthnoMed. (2020, March 16). Traditional Vietnamese Medicine: Historical Perspective and Current Usage – EthnoMed. https://ethnomed.org/resource/traditional-vietnamese-medicine-historical-perspective-and-current-usage/
Fv B. V. (2022, November 2). Traditional Medicine – FV Hospital. FV Hospital. https://www.fvhospital.com/medical-services/traditional-medicine/#tab-services
Integrated Health Services. (2013, May 15). WHO traditional medicine strategy: 2014-2023. https://www.who.int/publications/i/item/9789241506096
Millstine, D. (2023, March 15). Traditional Chinese Medicine. MSD Manual Professional Edition. https://www.msdmanuals.com/professional/special-subjects/integrative,-complementary,-and-alternative-medicine/traditional-chinese-medicine
The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2023, March 1). Traditional Chinese medicine | Description, History, & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/science/traditional-Chinese-medicine
Traditional Chinese Medicine: What You Need To Know. (n.d.). NCCIH. https://www.nccih.nih.gov/health/traditional-chinese-medicine-what-you-need-to-know
Trung, T. H. (2005). Overview of Vietnamese traditional medicine. https://koreascience.kr/article/JAKO200540976416093.page
Bình trên Facebook